Học phí Đại học Quốc gia TP HCM dự kiến tăng
Từ năm 2021, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM gồm Bách khoa, Quốc tế, Kinh tế - Luật, Công nghệ thông tin dự kiến thu học phí 20,5-50 triệu đồng.Kỳ họp Hội đồng Đại học Quốc gia TP HCM hai hôm trước tại Bình Thuận đã thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của 4 trường đại học thành viên: Bách khoa, Quốc tế, Kinh tế - Luật và Công nghệ thông tin.
Các trường này bắt đầu tự chủ từ năm sau, tự xác định học phí theo cách tính đúng, tính đủ và có tích lũy. Việc áp dụng mức học phí mới có lộ trình, đảm bảo tính cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút người học.
Theo đề án tuyển sinh năm 2020-2021, học phí hệ đại trà các đại học này ở mức: Bách khoa 11,7 triệu đồng mỗi năm; Kinh tế - Luật 9,8 triệu; Công nghệ Thông tin 20 triệu; Quốc tế 48 triệu.
Mức học phí dự kiến áp dụng từ năm 2021 (đơn vị triệu đồng mỗi năm) được các trường đề xuất như sau:
Trường | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 | Năm 2025 |
Đại học Bách khoa | 25 | 27,5 | 30 | 30 | 30 |
Đại học Kinh tế - Luật | 20,5 | 22,6 | 24,8 | 27,3 | 30 |
Đại học Công nghệ Thông tin | 25 | 30 | 45 | 49,5 | 54,5 |
Đại học Quốc tế | 50 | 55 | 60 | 65 | 66 |
PGS Bùi Hoài Thắng (Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa) cho biết các mức học phí trên là đề xuất của trường, bắt đầu cho khoá tuyển sinh năm 2021-2022. Đề án này phải được Hội đồng trường thông qua mới áp dụng.
Hằng năm, trường dành trên 10% tổng nguồn thu học phí cấp học bổng cho 33% sinh viên. Ba trường còn lại, nguồn học bổng khoảng 8% tổng thu học phí.
Trong 6 tháng đầu năm, các trường thuộc Đại học Quốc gia TP HCM mở 12 ngành đào tạo bậc đại học mới, gồm: Vật lý y khoa, Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật địa chất, Toán tin, Toán ứng dụng, Khoa học dữ liệu (Đại học Khoa học Tự nhiên); Tôn giáo học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn); Sư phạm âm nhạc, Giáo dục thể chất (Đại học An Giang); Y học cổ truyền, Điều dưỡng (Khoa Y).
Ở bậc sau đại học, Đại học Quốc gia TP HCM mở thêm ba ngành thạc sĩ là An toàn thông tin (Đại học Công nghệ Thông tin), Công nghệ thực phẩm (Đại học An Giang), Giáo dục học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Hai ngành đào tạo tiến sĩ mới là Khoa học thư viện (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Luật dân sự và tố tụng dân sự (Đại học Kinh tế - Luật). Các chương trình liên kết đào tạo sau đại học được mở rộng với đối tác nước ngoài như Pháp, Thụy Sĩ, Australia.
Nguồn tổng hợp
Bạn có thể tham khảo thêm TẠI ĐÂY
0 Nhận xét